Thứ Sáu, 3 tháng 10, 2014

HÒA ÂM TRẮNG

James Abbott McNeill Whistler (1834 - 1903) là một họa sĩ gốc Anh sinh sống tại Mỹ trong thời kỳ vàng son American Gilded Age vào cuối thế kỷ 19 ( từ những thập niên 1870 đến 1900). Ngược lại với tính tình cảm và đạo đức ám chỉ trong tranh, ông là người ủng hộ hàng đầu của phương châm "nghệ thuật vị nghệ thuật".

 “Symphony in White, No. 1: The White Girl,” 1862, oil on canvas

Năm 1861, sau khi trở về Paris trong một thời gian, Whistler vẽ tác phẩm nổi tiếng đầu tiên của mình: “Symphony in White, No. 1: The White Girl ( Hòa âm Trắng, số 1: Thiếu nữ Trắng ). Đây là bức chân dung của người tình và người quản lý kinh doanh của ông, Joanna Hiffernan, đã được sáng tạo đơn giản chỉ là màu trắng. Tuy nhiên, những người khác nhìn bức tranh theo một cách khác. Nhà phê bình Jules-Antoine Castagnary nghĩ rằng bức tranh là một câu chuyện ám chỉ một cô dâu mới đã mất đi sự ngây thơ trong sáng. Những người khác lại liên kết nó với The Woman in White ( Người đàn bà áo trắng ) của Wilkie Collins, một cuốn tiểu thuyết nổi tiếng vào thời kỳ ấy, hoặc từ nhiều nguồn văn học khác. Tại Anh, một số xem đó là một bức tranh theo phong cách thời Pre-Raphaelite. Trong bức tranh, Hiffernan cầm một đóa hoa lily trong tay trái và đứng trên một tấm thảm da gấu ( một số người đã giải thích tấm thảm da gấu tượng trưng cho nam tính và sự ham muốn ) và cái đầu con gấu nhìn chằm chằm với vẻ đe dọa người xem. Bức chân dung bị từ chối triển lãm tại Royal Academy, nhưng lại được trưng bày trong một bộ sưu tập tư nhân dưới tiêu đề The Woman in White. Năm 1863 bức tranh lại được trưng bày tại Salon des Refuseés ở Paris trong một sự kiện được tài trợ bởi Hoàng đế Napoleon III cho triển lãm các tác phẩm bị từ chối bởi Salon.
Mặc dù vậy, bức tranh của Whistler đã được chú ý rộng rãi, trội hơn hẳn cả bức tranh gây sốc Le déjeuner sur L'Herbe ( Bữa ăn trưa trên bãi cỏ ) của Edouard Manet. Chống lại những chỉ trích của các nhà phê bình theo chủ nghĩa truyền thống, những người ủng hộ Whistler khẳng định rằng bức tranh là "một bóng ma có linh hồn" và điều đó tóm tắt lý thuyết của Whistler rằng nghệ thuật cần được quan tâm về cơ bản với sự sắp xếp màu sắc trong sự hài hòa, không phải với sự mô phỏng nguyên hiện trạng của thế giới tự nhiên.

* Nguyễn Diệu Tâm

Trích dịch từ :
http://en.wikipedia.org/wiki/James_Abbott_McNeill_Whistler

0 nhận xét:

Đăng nhận xét